Tổng giá trị thị trường hàng điện tử tiêu dùng, CNTT-TT của VN năm 2008 đạt khoảng 3,9 tỉ USD; con số này của năm 2009 được dự báo khoảng 4,7 tỉ USD. Xu hướng tiêu dùng của ngành này sẽ là các sản phẩm "xanh", sử dụng công nghệ mới.
Theo GfK, năm 2008 số lượng bán ra của các mặt hàng điện tử tiêu dùng như TV LCD được trên 330.000 chiếc, TV Plasma trên 28.000 chiếc, tủ lạnh trên 1,3 triệu chiếc, máy giặt trên 780.000 chiếc, máy ảnh số trên 253.000 chiếc, dàn âm thanh trên 25.000 chiếc, đầu DVD trên 792.000 chiếc...
Trong khi đó, dù viễn cảnh kinh tế 2009 sẽ khó khăn nhưng theo một nguồn tin đáng tin cậy từ một công ty nghiên cứu thị trường uy tín tại VN, thị trường hàng điện tử tiêu dùng, truyền thông và công nghệ thông tin (CNTT-TT) của VN năm 2009 sẽ tăng khoảng 21% so với năm 2008. Trong đó, chỉ có sản phẩm thuộc lĩnh vực truyền thông có mức tăng kém nhất là 16%, các nhóm hàng còn lại đều tăng trưởng 20-29%. Nếu dự báo này chính xác, mức tăng trưởng này sẽ mang lại nhiều động lực cho thị trường điện tử tiêu dùng nói riêng và toàn bộ thị trường nói chung.
Theo dõi các diễn biến của thị trường, chúng tôi thấy các sản phẩm có giá vừa phải sẽ thắng thế trong năm 2009. Xu hướng này được thể hiện khá rõ trong mặt hàng điện thoại di động. Theo giới kinh doanh mặt hàng này ở thời điểm hiện tại, các model ĐTDĐ có giá trên 3 triệu đồng khó bán, ngược lại các sản phẩm từ 3 triệu đồng trở xuống đang được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm.
Nhiều sản phẩm điện tử - tiêu dùng và CNTT-TT cũng có xu hướng tương tự. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia và giới kinh doanh, ngoài vấn đề về giá, xu hướng tiêu dùng các sản phẩm nói trên năm 2009 sẽ có những thay đổi thú vị.
Xu hướng thông minh hóa
Không đơn thuần là làm sao mua sắm trang thiết bị gia đình hiện đại từ tivi đến tủ lạnh, từ máy giặt đến máy hút bụi, hiện tại, nhất là ở các đô thị, xu hướng "số hóa" không còn là thuật ngữ “độc quyền” của các văn phòng mà đã lan rộng đến các gia đình tại Việt Nam. Người ta bắt đầu thay thế các thiết bị điện tử tiêu dùng thế hệ cũ bằng các sản phẩm điện tử tích hợp công nghệ số, ví như album điện tử thay album giấy thông thường, thậm chí sách điện tử thay cho sách giấy.
Ngay cả những thứ tầm thường như máy lạnh, tủ lạnh... cũng được chăm chút bằng nhiều công nghệ số cùng nhiều công nghệ khác chứ không chỉ đơn giản như khởi thủy của chúng; chẳng hạn máy lạnh được tích hợp công nghệ lọc không khí, hay quạt máy có điều khiển từ xa... Nhìn chung các thiết bị đa chức năng và tiện dụng ngày càng được người dùng ưa thích.
Đây được xem là xu hướng tích cực, giúp đời sống mỗi gia đình trở nên tiện nghi hơn. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm là các sản phẩm mới này thường đắt hơn các thiết bị khác cùng tính năng và công dụng ít nhất là gấp đôi.
Tuy nhiên, điều này cũng không đáng ngại vì người dùng và nhà sản xuất hiểu qui luật càng nhiều sản phẩm được bán ra thì giá thành càng hạ. Các sản phẩm công nghệ mới cũng bước đầu được thị trường Việt Nam chấp nhận, một phần nhờ công tác tiếp thị mạnh mẽ, tiêu biểu như đầu đọc đĩa Bluray, TV công nghệ LED, album điện tử LCD, sách điện tử, máy chiếu cầm tay... Đây được coi là các mặt hàng "nóng" trong năm 2009.
Chia sẻ linh hoạt
Xu hướng chia sẻ dữ liệu, thông tin, nội dung... giữa các thiết bị giải trí trong gia đình cũng như với máy tính đang được người dùng quan tâm. Giờ đây, các thiết bị điện tử tiêu dùng, CNTT-TT không thể “cứng đầu” để hoạt động độc lập nữa. Người dùng gia đình có nhu cầu kết nối chúng với nhau để tận dụng tài nguyên.
Họ không chỉ muốn xem phim, nghe nhạc bằng đĩa quang tại nhà, mà còn muốn sử dụng các nội dung được lưu trữ trong thẻ nhớ USB hoặc ổ cứng rời để giải trí mọi lúc mọi nơi. Trên thực tế, nhiều thiết bị trước đây chủ yếu chỉ xuất hiện trong môi trường làm việc hoặc trong các sản phẩm CNTT-TT hiện cũng rất phổ biến trong đời sống hằng ngày.
Xu hướng TV được tích hợp cổng USB đã khá rõ ràng và trong vài năm gần đây đã phổ biến trên hầu hết các nhãn hiệu lớn hiện có tại thị trường Việt Nam. Cổng USB tích hợp được dự đoán không lâu nữa sẽ trở thành chức năng tiêu chuẩn trong TV cùng một số thiết bị khác.
Trong khi đó, nhu cầu kết nối dữ liệu không dây giữa các thiết bị số với nhau bắt đầu xuất hiện. Trên thị trường trong năm 2009 đã thấy một số model TV có thể chiếu video, hình ảnh và âm nhạc từ ổ cứng của máy tính bằng chức năng cho phép kết nối TV với các thiết bị này thông qua công nghệ WiFi được tích hợp sẵn. Trên thực tế, với việc máy tính xách tay, ĐTDĐ, các sản phẩm giải trí di động ngày càng được phổ biến thì nhu cầu chia sẻ dữ liệu không dây trở nên cần thiết.
Không chỉ chia sẻ dữ liệu giữa các thiết bị mà hiện đã xuất hiện xu hướng tích hợp khả năng kết nối Internet, các chương trình duyệt web vào các thiết bị giải trí như TV hay thiết bị giải trí di động, điều lâu nay gần như chỉ thuộc về máy tính và ĐTDĐ. Tuy thị trường chưa xuất hiện nhiều những sản phẩm như vậy nhưng tính năng này được các chuyên gia dự báo sẽ được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm từ năm 2009.
Công nghệ xanh lên ngôi
Khoảng một năm trước đây, người dùng Việt Nam nghe về các sản phẩm "xanh", sản phẩm tiết kiệm điện, ít gây ô nhiễm môi trường... cứ tưởng chúng chỉ phổ biến ở những nước tiên tiến. Giờ đây khi giá điện tăng, nhiều gia đình có của ăn của để cũng quan tâm đến các sản phẩm công nghệ xanh và chúng bắt đầu có chỗ đứng tại Việt Nam.
Năm 2009 được coi là thời điểm thuận lợi cho các sản phẩm điện tử tiêu dùng công nghệ xanh đến với người dùng. Nhiều nhà sản xuất đặc biệt chú ý đến các sản phẩm tiêu thụ ít điện năng, sử dụng linh kiện "sạch"... như máy tính, màn hình, TV, máy lạnh, tất nhiên là cả bóng đèn.
Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng được tiếp cận nhiều sản phẩm có biểu tượng của hệ thống đánh giá mức độ thân thiện môi trường EPEAT (Electronic Product Environmental Assessment Tool). EPEAT được thiết kế giúp người sử dụng phân biệt và đánh giá được mức độ thân thiện với môi trường của các sản phẩm điện tử tiêu dùng và CNTT. Mọi sản phẩm mang biểu tượng EPEAT phải đạt 23 tiêu chuẩn bắt buộc về môi trường.
Khủng hoảng kinh tế khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nhưng cũng có mặt tích cực là “ép” người tiêu dùng trở nên thông minh, khôn ngoan và nhân bản hơn trong việc mua sắm. Điều đáng ghi nhận là nhiều nhà sản xuất cũng như kinh doanh đang chọn Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng nhất của họ.