Nhiệt độ của máy điều hòa giữ cho cơ thể không bị ra mồ hôi, đặc biệt là trẻ em, giúp hạn chế sự mất muối, mất nước của cơ thể. Nhưng chúng ta cũng nên biết cách sử dụng điều hòa thế nào để tránh những mặt có hại.
Trẻ khi chạy nhảy chơi đùa, người lớn làm việc ngoài trời nóng bức, mồ hôi đầm đìa đột ngột vào phòng điều hòa có nhiệt độ quá chênh lệch với nhiệt độ bên ngoài môi trường dẫn đến hiện tượng thay đổi thân nhiệt nhanh chóng, người bệnh sẽ có cảm giác ớn lạnh, rùng mình, nổi da gà do hiện tượng co mạch ngoại vi và các lỗ chân lông ngoài da để giữ nhiệt.
Nếu cơ thể không điều chỉnh được, đặc biệt ở những người có sẵn các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, huyết áp thấp, tiểu đường, người vừa ốm dậy, trẻ nhỏ...
Thông thường những người này thấy đau rát họng, khô họng, vài giờ sau xuất hiện sốt 38-39oC thậm chí lên tới 40oC, chảy nước mũi trong, ho, lúc đầu ho khan sau ho có đờm trắng loãng.
Người có cơ địa dị ứng khi vào phòng điều hòa sẽ hắt hơi từng tràng, ngứa mũi, vùng chóp mũi ửng đỏ, đôi khi chảy nước mắt, ngạt tắc mũi hoàn toàn hoặc một phần tùy từng người bệnh. Đặc biệt có trường hợp cảm lạnh đột ngột do điều hòa.
Biểu hiện da toàn thân sờ rất lạnh, niêm mạc vùng mũi họng nhợt nhạt màu, tăng xuất tiết nhiều dịch trong, các cuốn mũi phù nề, có thể có màu tím nhạt. Trường hợp này nên tắt ngay điều hòa, đắp chăn ấm cho đến khi ra được mồ hôi, uống nước ấm, nếu có thể pha thêm chút gừng nướng càng tốt, dùng một số thuốc như babyplex, decolgen...
Nếu sau 2 ngày uống thuốc, các dấu hiệu trên không đỡ mà ngày một nặng lên như sốt kéo dài, nước mũi chuyển sang màu vàng xanh, ho tăng, có đờm đặc, đôi khi xuất hiện khó thở, nhất là ở trẻ nhỏ... cần được bác sĩ thăm khám để có chỉ định điều trị chính xác và kịp thời.
Dùng điều hòa không đúng là một trong những yếu tố thuận lợi để khởi phát bệnh viêm mũi dị ứng, hen phế quản, viêm phế quản co thắt... Phòng tránh tác hại này bằng cách: để nhiệt độ điều hòa không chênh lệch nhiều với nhiệt độ môi trường (khoảng 4-5o). Tránh để luồng gió điều hòa thổi thẳng vào nơi nằm ngủ. Lau sạch mồ hôi trước khi vào phòng điều hòa. Để chậu nước trong phòng dùng điều hòa giúp tăng độ ẩm cho phòng.
Những người bắt buộc phải làm việc trong những phòng điều hòa trung tâm, nhiệt độ thấp nên mang theo áo khoác, áo dài tay khi làm việc tùy theo khả năng chịu đựng của mình.
Những chú ý khi sử dụng điều hoà
- Phòng lắp máy phải khô ráo với độ ẩm tốt nhất từ 30% đến dưới 60% để các loại vi khuẩn, nấm không có điều kiện phát triển.
- Phòng phải được thường xuyên hút bụi, làm vệ sinh sạch sẽ, tường và trần nhà thường được lau rửa.
- Ngoài ra,cần lưu ý lắp đặt điều hoà ở vị trí sao cho dòng không khí có thể được phân phối đều khắp phòng. Trong phòng bạn cũng nên để một chậu nước mát.
- Thông thường, độ chênh nhiệt độ trong nhà và ngoài trời khoảng 8 đến 10 độ C là phù hợp với cơ thể con người.Trong mùa nóng, nhiệt độ điều hoà khoảng 26 độ C là tối ưu nhất, đảm bảo cho người sử dụng tránh được các bệnh như đau đầu, viêm họng, ngạt mũi …
- Khi vừa đi từ ngoài đường nóng bức, người sử dụng có xu hướng bật điều hoà ở nhiệt độ rất thấp để tiêu nhanh cái nóng, điều này không chỉ gây tốn điện mà còn gây ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ do nóng lạnh bất thường.
- Bạn cũng không nên ngồi trong phòng điều hoà quá 2h, khi ra khỏi phòng nên mở cửa to và đứng ở cửa vài phút để cơ thể kịp thích nghi với không khí mới.
- Phải thường xuyên bảo dưỡng máy điều hoà: làm sạch tấm lọc không khí của cục lạnh 2 tuần một lần bằng máy hút bụi hoặc chải nhẹ bằng nước ấm với nước xà phòng, đồng thời làm sạch hệ thống ống lưu thông trong cục lạnh và cục nóng, loại bỏ các lớp bụi bịt các lớp thông gió trên cục máy ít nhất một lần một tháng.